Phổ biến pháp luật tháng 10/2015

Phổ biến pháp luật tháng 10/2015
Phổ biến pháp luật tháng 10/2015
PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
(Tháng 10 năm 2015)
 
1.      Thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Asean
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/08/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, cho phép thương nhân được tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O mẫu D).
Theo đó, thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại phải là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính mình sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD và phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định cấp.
Thương nhân được tham gia thí điểm có trách nhiệm duy trì các điều kiện nêu trên trong suốt quá trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cung cấp đầy đủ báo cáo, tài liệu liên quan và bố trí để Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương hoặc cơ quan được Bộ Công Thương ủy quyền đến kiểm tra các cơ sở sản xuất; lưu trữ hồ sơ, báo cáo, tài liệu để chứng minh hàng hóa tự khai báo đáp ứng các tiêu chí xuất xứ và các chứng từ liên quan trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ ngày tự chứng nhận xuất xứ…
Bên cạnh đó, Thông tư cũng khẳng định thương nhân được Bộ Công Thương lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2015.

2.      Lao động nữ mang thai được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11/2015.
Tuy nhiên, trước khi đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng, lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời hạn báo trước theo thời hạn của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định; trường hợp không có chỉ định của cơ sở có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ, hai bên tự thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Về việc chăm sóc sức khỏe với lao động nữ, Nghị định quy định, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ này vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Ngoài ra, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ cũng được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám do Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, Nghị định khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ. Doanh nghiệp sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên; từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó, số lao động nữ chiếm 30% trở lên và doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp./.

Nguồn tin: Bản tin Văn bản Pháp luật (http://luatvietnam.vn)