PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
(Tháng 07 năm 2015)
- Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức vào tháng 12 hàng năm
Theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo từng năm công tác và được tiến hành trong tháng 12 hàng năm..
Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại do người đứng đầu quyết định.
Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, công chức bị phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất; không hoàn thành nhiệm vụ tương xứng với chức danh đang giữ; thực hiện nhiệm vụ, công vụ có sai phạm đến mức phải có biện pháp khắc phục; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm hoặc có hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí bị xử lý kỷ luật...
Nghị định cũng nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và gửi báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý về Bộ Nội vụ để tổng hợp trước ngày 01/03 hàng năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.
- Ngày 14/11 hàng năm là ngày truyền thống ngành nông nghiệp.
Đây là nội dung nổi bật tại Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 18/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Cụ thể, ngày 14/11 hàng năm sẽ được lấy làm Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc tổ chức Ngày Truyền thống phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức; giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, phải biểu dương, khen thưởng được cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc xây dựng ngành, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- Không nêu nhãn hiệu hàng trong hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa
Hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa không được nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa gây cạnh tranh không bình đẳng là nội dung quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa.
Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô; đồng thời, phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) mà không được quy định tương đương về xuất xứ.
Về thuế, phí, lệ phí, Thông tư quy định, thuế, phí, lệ phí dự thầu mua sắm hàng hóa được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Đối với đấu thầu quốc tế, khi đánh giá về giá không xem xét và không đưa vào để so sánh, xếp hạng nhà thầu đối với chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có). Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì chi phí về thuế, phí, lệ phí sẽ được xác định cụ thể trong bước thương thảo hợp đồng; giá đề nghị trúng thầu, giá hợp đồng phải bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về ưu đãi trong chọn lựa nhà thầu, theo đó, hàng hóa trong hồ sơ mời thầu mua sắm chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được chi phí sản xuất trong nước chiếm từ 25% trở lên trong giá hàng hóa.
Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BKH ngày 10/02/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015./.
Ý kiến bạn đọc